ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐỨC TRỌNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Người "giữ hồn" dân tộc Chu ru In trang
17/11/2018 12:00 SA

Am hiểu truyền thống của dân tộc Chu ru và luôn nỗ lực hết mình để lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông, già làng Ya Bá luôn được dân làng thôn Ma Kir, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng yêu mến và kính trọng. 

Già làng Ya Bá
Già làng Ya Bá

Từ bé, ông Ya Bá đã thường theo chân cha tham gia nhiều lễ hội truyền thống của dân tộc Chu Ru. Được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các thế hệ đi trước nên sự am hiểu về văn hóa từ lâu đã ăn sâu vào con người ông như một lẽ tự nhiên. Bên cạnh đó, với những chuyến đi xa giao lưu với nhiều dân tộc khác nhau, ông đã tích lũy, học hỏi thêm cho mình những tri thức để làm giàu có cho truyền thống của dân tộc.
 
Ông nguyên là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đa Quyn và là già làng luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con trong thôn Ma Kir nhiều năm qua. Ông còn là một trong số ít những nghệ nhân trong thôn biết rành rẽ về cách thức sử dụng cồng chiêng, đan lát - vốn  là nét văn hóa rất riêng của người Chu ru. Trong nhà ông, ông dành một góc để treo bằng khen, giấy khen và giữ gìn bộ cồng, chiêng, la truyền thống của cha ông mình. Đó là các vật dụng như: 02 bộ đồng-la lớn, nhỏ; 02 bộ cồng chiêng lớn, nhỏ; 05 cái kèn bầu;  01 cái trống và các loại vật khác như: chóe rượu cần, cung, lao, xà-gạc, khăn, giây cườm… Và những đạo cụ này luôn được ông gìn giữ như “báu vật” để phục vụ cho các hội thi, ngày hội của dân tộc trong địa phương.
 
Ánh mắt như ngời lên niềm tự hào, ông chỉ tay đến từng tấm bằng khen treo trên tường và kể cho chúng tôi nghe về những thành quả trong những hoạt động giữ gìn truyền thống văn hóa cho dân tộc, về cách thức tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ hội… của người Chu ru xưa và nay trong mạch cảm xúc bất tận của mình.
 
Ông bảo, bản thân ông là già làng, nhưng như vậy không có nghĩa là ngừng học hỏi, mà ngược lại, ông càng cần phải học để hiểu biết nhiều hơn, để tạo niềm tin cho dân làng. Cũng chính vì vậy, nhiều năm qua, ông luôn là già làng tiêu biểu, đi đầu trong công tác tuyên truyền, tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc và vận động người dân trong thôn thực hiện đúng theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
 
Cùng đó, ông cũng tích cực tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thôn để tiếp tục kế thừa và phát huy nét văn hóa truyền thống đồng bào Chu ru và con trai ông, Jơ Lương Vinh – hiện là Chủ tịch UBMT xã Đa Quyn, cũng là một trong số những học trò đó. Jơ Lương Vinh xúc động cho biết: “Tôi và các bạn trong thôn theo học lớp cồng chiêng do cha truyền dạy vào khoảng năm 2013, lúc đó có khoảng gần 30 bạn theo học. Và hiện, các thể loại diễn tấu của văn hóa dân tộc tôi cũng đã biết hết, mặc dù chưa nhuần nhuyễn lắm, nhưng chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục trau dồi, để kế tục cha, tiếp tục truyền dạy cho những thế hệ mai sau”.
 
Già làng Ya Bá nói: “Trước đây già cũng lo lắng về việc không còn ai sau này kế thừa để giữ gìn truyền thống dân tộc mình. Vì thế, già đã đi vận động mọi người học tập và tham gia vào đội cồng chiêng. Và nay thì già đã hết lo rồi, vì hiện giờ 4/8 thôn của xã đều có đội cồng chiêng và luôn sẵn lòng múa, hát, diễn tấu cầu chiêng vào những dịp lễ, tết trong năm. Và đáng mừng hơn nữa là có con trai của già cũng như nhiều bạn trẻ trong thôn ngỏ ý muốn hiểu sâu hơn, kỹ hơn truyền thống của cha ông”. 
 
Nói về những đóng góp của già làng Ya Bá, bà Phạm Thị Tuyết – Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho biết: “Già làng Ya Bá là người có tiếng nói trong việc vận động người dân trong thôn làm ăn, phát triển kinh tế và đặc biệt là góp phần truyền dạy, cũng như gìn giữ những giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào người dân tộc Chu ru nói riêng và bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên nói chung trên địa bàn”.
 
Nhật Minh

Lượt xem: 1.366
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000391103
  •  Đang online: 7
  •  Trong tuần: 3.018
  •  Trong tháng: 14.841
  •  Trong năm: 64.503