Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi với tính chất, mức độ nguy hiểm cao, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội. Nổi lên là thủ đoạn gửi tiền, quà tặng từ nước ngoài; trúng thưởng; lập hoặc chiếm quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội nhờ chuyển tiền sau đó chiếm đoạt tiền; thông qua việc vay tiền trực tuyến; tuyển cộng tác viên bán hàng; kêu gọi đầu tư vào các công ty, chương trình, các quỹ, mua bán hàng qua mạng, đầu tư đa cấp, tiền ảo; giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo xuất cảnh qua Campuchia, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản…
Trước tình hình trên, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, ngừa đấu tranh với hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông để thông tin đến toàn thể nhân dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là hoạt động lừa đảo qua điện thoại, mạng Internet..., cảnh báo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với loại tội phạm này; đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phản ánh, tố giác tội phạm để các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, xử lý theo quy định.
Các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt; lựa chọn, đưa ra xét xử lưu động các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản điển hình, có tính thời sự, được dư luận quan tâm để nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục và tuyên truyền phòng, chống tội phạm.