ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐỨC TRỌNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Ðức Trọng về đích nông thôn mới In trang
16/11/2018 12:00 SA

Tính đến tháng 10/2018, huyện Ðức Trọng có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); huyện đạt 9/9 tiêu chí và hoàn thành nhiều tiêu chí nổi bật đạt ở mức cao. Ðức Trọng đã về đích nông thôn mới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Trọng. (Trong ảnh: Trồng cà chua trong nhà kính bằng nuôi thiên địch của gia đình anh Nguyễn Như Thủy, xã Bình Thạnh). Ảnh: T.Vũ
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Trọng. (Trong ảnh: Trồng cà chua trong nhà kính bằng nuôi thiên địch của gia đình anh Nguyễn Như Thủy, xã Bình Thạnh). Ảnh: T.Vũ

Nhiều tiêu chí đạt ở mức cao
 
Trong năm 2018, Đa Quyn - xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Đức Trọng, cũng là xã cuối cùng của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, với một vài con số nổi bật như: 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (gần 11 km); gần 91% đường trục thôn, bản và liên thôn được cứng hóa (gần 30 km); 81,2% đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động; hơn 70% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng; 89,7% học sinh tốt nghiệp THCS; 100% tổ chức chính trị - xã hội đạt loại khá trở lên... Theo lãnh đạo xã Đa Quyn, để đạt được kết quả trên, xã đã biết tận dụng và phát huy tích cực những mặt thuận lợi như sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Ban chỉ đạo NTM các cấp, và đặc biệt, đó còn là sự đóng góp, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã.
 
Theo UBND huyện Đức Trọng, cùng với việc Đa Quyn về đích NTM, Đức Trọng đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM; huyện đạt 9/9 tiêu chí và hoàn thành nhiều tiêu chí nổi bật, trong đó có nhiều tiêu chí đạt ở mức cao với 100% số xã đạt các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và tuyên truyền, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo...
 
Tại buổi làm việc mới đây với huyện Đức Trọng về tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của toàn huyện trong thời gian qua. Qua các năm phát động chương trình xây dựng NTM, nhận thức của phần lớn cán bộ và nhân dân về chương trình này đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả huyện. Dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, qua đó đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM.
 
Qua đó, kinh tế - xã hội có bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đến cuối năm 2017, cơ cấu kinh tế của Đức Trọng là: Ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỉ lệ 34,0%; ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỉ lệ 33,7%; ngành dịch vụ chiếm tỉ lệ 32,3%. Tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá ổn định, bình quân đạt 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 67 triệu đồng.
 
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo
 
Xây dựng NTM phát triển theo đúng quy hoạch, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được mở rộng, cảnh quan môi trường nông thôn từng bước được cải thiện “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi dần chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
 
 Đức Trọng cũng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trang trại từng bước tiếp cận nông nghiệp ứng dụng 4.0; quan hệ sản xuất được thúc đẩy, hình thành liên kết sản xuất... Qua các năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; có thể kể đến mô hình ghép cải tạo cà phê của hộ ông Trần Ngọc Nam (thôn Nam Loan, xã Ninh Loan) - là một trong những người đi tiên phong trong chương trình chuyển đổi, cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Vườn cà phê của ông sau khi ghép ngoài việc cho thu hoạch cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây thực sinh, còn có khả năng kháng bệnh cao, không còn bị nhiễm bệnh rỉ sắt, nấm hồng nên năng suất cao. 
 
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn phải kể đến các mô hình sản xuất có hiệu quả rất cao như mô hình Tổ hợp tác Hương Sắc liên kết sản xuất hoa Vũ nữ với Công ty Hoa Mặt Trời để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; HTX Tiến Huy, HTX An Phú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phong Thúy liên kết sản xuất các loại rau cung ứng cho siêu thị... 
 
Còn có thể kể đến mô hình chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Công Khanh (thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh) đã đầu tư 5 trại gà lạnh mô hình khép kín theo công nghệ cao với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, giải quyết cho 30 lao động tại chỗ. Sau khi trừ chi phí, ông Khanh thu nhập mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, đối với việc huy động đóng góp đất đai, tiền của vào xây dựng cơ sở hạ tầng của người dân nổi bật qua các năm có thể kể đến vai trò vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền các xã Bình Thạnh, Liên Hiệp, Tân Hội, Phú Hội...
 
THY VŨ

Lượt xem: 813
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000652726
  •  Đang online: 66
  •  Trong tuần: 4.603
  •  Trong tháng: 26.037
  •  Trong năm: 326.126