ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐỨC TRỌNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Đức Trọng: Chuyển biến sau 15 năm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số In trang
12/02/2019 12:00 SA

Đức Trọng là địa phương có 33,7% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) với 20 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, thực hiện các nghị quyết liên quan đến vấn đề dân tộc của Trung ương, sự cộng hưởng từ những hỗ trợ của tỉnh, quyết tâm của huyện, xã và nhất là những nỗ lực rất lớn từ chính bà con đã góp phần làm thay đổi rõ nét đời sống bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy vui mừng trước sự phát triển kinh tế và đời sống được nâng cao của bà con DTTS ở Thôn K67, xã Đa Quyn. Ảnh: N.N
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy vui mừng trước sự phát triển kinh tế và đời sống được nâng cao của bà con DTTS ở Thôn K67, xã Đa Quyn. Ảnh: N.N

Đầu tư nhiều
 
Thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; trong 15 năm qua, các thế hệ lãnh đạo của huyện Đức Trọng đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn khác trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Theo thống kê của địa phương này: Từ nguồn vốn thuộc các chương trình của Trung ương cũng như địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh, sinh viên… với kinh phí trên 128 tỷ đồng. Theo đó, một số công trình bức xúc như cầu, đường, trường, trạm, điện thắp sáng, nước sinh hoạt... phục vụ sản xuất và ổn định đời sống bà con đã được đảm bảo. Trên 7,7 ngàn lượt hộ và trên 3,8 ngàn lượt sinh viên được thụ hưởng trực tiếp từ các nguồn hỗ trợ này. Các dự án định canh định cư tập trung như tại Láng Mít (xã Tà Năng), Bog Tiên (xã Tà Hine) và các điểm định canh định cư khác đã góp phần ổn định chỗ ở cho 186 hộ đồng bào DTTS với kinh phí trên 39 tỷ đồng. Cấp đất sản xuất cho 253 hộ với tổng diện tích trên 320 ha… Những nguồn đầu tư hỗ trợ lớn đó thực sự là “đòn bẩy” mạnh mẽ để bà con DTTS ở Đức Trọng phát triển sản xuất; góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc.
 
 Trong các chương trình đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, Đức Trọng tập trung nhiều vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, khuyến khích bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu bằng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, hiện có hơn 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hình thành trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tự động, phủ màng polymer vào sản xuất rau, hoa, góp phần giảm chi phí lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 20 - 30%.
 
Ông Phạm Ngọc Tiến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Trọng nói thêm: “Bên cạnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế; lãnh đạo huyện cũng như lãnh đạo các xã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp bà con các dân tộc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Điển hình như tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng tại các xã Hiệp An, Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn, N’Thol Hạ…; khôi phục làng nghề dệt tại thôn Đarahoa (xã Hiệp An), khôi phục lễ hội Bok Chu Bu tại thôn Ma Am (xã Đà Loan)… Bên cạnh đó, các ngành liên quan và các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết, tảo hôn, thách cưới… Bởi vậy, sau 15 năm bền bỉ, đến nay nhìn lại đời sống bà con vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể”.

Giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện trong vùng đồng bào DTTS suốt 15 năm qua. Ảnh: N.N
Giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện trong vùng đồng bào DTTS suốt 15 năm qua. Ảnh: N.N

Đổi thay lớn

Theo con số thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS trên toàn huyện Đức Trọng giảm nhiều qua các năm. Cụ thể, năm 2009 số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS (theo chuẩn cũ) là 1.639 hộ, chiếm 17,05%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào DTTS giảm còn 358 hộ, chiếm tỷ lệ 2,74%.
 
Hiện 100% số xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS sinh sống có điện lưới quốc gia đầy đủ. Trên 90% hộ đồng bào DTTS dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% xã có đường bê tông đến trung tâm xã…
 
Công tác giáo dục được chăm lo, hiện tỷ lệ học sinh ra lớp ở bậc mầm non và tiểu học đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 99%. Tất cả các xã, thị trấn đều có trung tâm y tế và bác sĩ. Các thôn, tổ dân phố đều có y tế thôn, bản đáp ứng nhu cầu của người dân. 
 
Những năm qua, đội ngũ cán bộ người DTTS được đào tạo bài bản, ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Hiện Đức Trọng có 648 cán bộ là người DTTS đang tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị từ huyện đến thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 53 cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy đảng, 2 cán bộ là lãnh đạo quản lý cấp huyện và 30 cán bộ là bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, trưởng các ban, ngành MTTQ và các đoàn thể ở địa phương. Đây thực sự là cánh tay nối dài của lãnh đạo địa phương để đến gần hơn nữa với bà con DTTS. Ông Ya Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã  Đa Quyn nói: “Cán bộ là người DTTS có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với bà con. Bởi bản thân những người cán bộ này nắm rõ tâm tư, tình cảm và tập quán sinh hoạt trong bà con. Và hơn hết, trong họ là tình yêu, khao khát được góp sức phát triển vùng đồng bào DTTS nên hiệu quả công việc cũng nhờ vậy mà có nhiều chuyển biến tốt”.
 
Và theo số liệu thống kê của Huyện ủy Đức Trọng, hiện toàn Đảng bộ có 507 đảng viên là người DTTS, chiếm 11,7% tổng số đảng viên trên địa bàn. Cùng với lực lượng cán bộ, đội ngũ những người uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các đảng viên cùng đóng vai trò không nhỏ trong việc khuyến khích người dân chăm lo phát triển sản xuất, chung sức xây dựng cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Đơn cử như câu chuyện của ông K’Rốt người uy tín thôn K’Long, xã Hiệp An là tấm gương để bà con noi theo trong việc chăm lo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ông Ha Hải - thôn B’Lá, xã Tà Năng thường xuyên có mặt trong các cuộc vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới. Ông K’Breo (xã N’Thol Hạ) là người gắn kết sự đoàn kết cũng như là hòa giải viên đối với các vấn đề xảy ra tranh chấp của bà con đồng bào DTTS…
 
15 năm thực hiện Nghị quyết 24, cũng là thời gian để lãnh đạo huyện Đức Trọng nhìn rõ những chuyển biến cũng như chỉ ra những vấn đề đặt ra trong vùng đồng bào DTTS nói chung và việc thực hiện các chính sách dân tộc nói riêng. Đó là cơ sở để huyện này xác định 9 nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới nhằm tiếp tục tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. 
 
N.NGÀ - baolamdong.vn

Lượt xem: 728
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000391880
  •  Đang online: 9
  •  Trong tuần: 3.795
  •  Trong tháng: 15.618
  •  Trong năm: 65.280