ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐỨC TRỌNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Đức Trọng sau 20 năm thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa In trang
21/04/2022 03:51 CH

Sau 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trên địa bàn, huyện Đức Trọng đã đạt được một số kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Đức Trọng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Đức Trọng

 

Theo UBND huyện Đức Trọng, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đẩy mạnh CNH, HĐH, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ CNH, HĐH với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh. 

 

Sau 20 năm, cơ cấu các ngành kinh tế của huyện đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế huyện chiếm 30,1%, tỷ trọng ngành Công nghiệp và xây dựng chiếm 34,41%, tỷ trọng ngành Dịch vụ chiếm 35,49%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp tính chung là 10,14%. Các ngành Dịch vụ phát triển đa dạng, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, các ngành Dịch vụ gắn với CNH, HĐH như dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn pháp lý, bưu chính viễn thông... phát triển nhanh. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng thành phần kinh tế trong quá trình CNH, HĐH. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, huy động ngày càng tốt hơn các nguồn lực và tiềm năng trong Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò cầu nối quan trọng trong thương mại quốc tế và chuyển giao công nghệ. 

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng được củng cố và nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, phát triển đồng bộ. Cảng hàng không Liên Khương đã và đang được khai thác với 7 tuyến bay nội địa và 4 tuyến bay quốc tế. Hạ tầng cung cấp năng lượng điện được đầu tư đảm bảo cung cấp đủ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được trang bị, nâng cấp và hoàn thiện trong các cơ quan, đơn vị hành chính và tổ chức, doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin phục vụ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Nông nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… Các kết cấu hạ tầng đô thị như: Giao thông đô thị, cấp nước sạch, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, công viên... được đầu tư góp phần thay đổi diện mạo của đô thị. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đa dạng, ngoài nguồn lực của Nhà nước, có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia đóng góp tự nguyện của Nhân dân với nhiều hình thức trong phát triển hạ tầng nông thôn, sự tham gia đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện.

 

Khu công nghiệp Phú Hội thu hút 34 doanh nghiệp tham gia đầu tư, trong đó có 12 doanh nghiệp nước ngoài và 22 doanh nghiệp trong nước. Đến nay, cơ bản đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình và khu dân cư kế cận nhằm phục vụ tái định cư cho người dân trong quá trình xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà ở công nhân và các công trình xã hội, y tế, giáo dục,… Hiện nay, Sở Xây dựng đang thẩm định đồ án Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình tỷ lệ 1/2.000.

 

Quá trình CNH, HĐH trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã mang lại một số tác động tích cực như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, tăng năng suất lao động; tăng quy mô sản xuất, thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, nông thôn. Việc thực hiện chương trình nông thôn mới trong thời gian qua, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 còn dưới 0,5%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 1,1%. Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được phát triển đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, chất lượng môi trường sống được nâng cao đáng kể. Việc tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản như: y tế, giáo dục thuận lợi hơn.

 

Trong thời gian tới, huyện Đức Trọng sẽ tiếp tục phát triển các ngành Công nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các ngành Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới. Đồng thời, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phục vụ có hiệu quả chiến lược tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

 

N.MINH

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 1.181
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000653214
  •  Đang online: 40
  •  Trong tuần: 5.091
  •  Trong tháng: 26.525
  •  Trong năm: 326.614