Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối thực hiện từ khi chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ chiến sĩ cách mạng và quần chúng đã được coi trọng trước hết để tiến tới xây dựng các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Thắng trao giấy khen cho 8 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
|
Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã ban hành nghị quyết quan trọng về công tác tuyên truyền: “… Đảng phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động ra (báo sách, truyền đơn, diễn thuyết...). Tài liệu huấn luyện phải viết cho rõ ràng, dễ hiểu và in cho sạch sẽ…”. Bộ máy giúp việc cho Trung ương Đảng có các bộ (sau này gọi là các ban), trong đó có Bộ Tuyên truyền làm công tác tuyên giáo.
Thực dân Pháp ra sức xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, chống phá Đảng Cộng sản và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; vì vậy, cuối tháng 12/1930, Thường vụ Trung ương Đảng đã bàn về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), đồng thời cho chủ trương xuất bản Báo Cờ Vô sản và Tạp chí Cộng sản…
Thành công nổi bật trong công tác tuyên giáo của Đảng giai đoạn 1936 - 1939 là tranh thủ những cải cách dân chủ của chính quyền Pháp ở thuộc địa để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, báo chí, xuất bản sách chính trị, diễn thuyết, đấu tranh nghị trường… đã giác ngộ chính trị cho hàng triệu quần chúng và nâng cao nhận thức về lý luận chính trị cho CB,ĐV.
Cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945 dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đường lối của Đảng là: Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền... Lúc này, công tác tuyên truyền, giáo dục CB,ĐV và Nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trở thành nội dung xuyên suốt, chủ yếu của Đảng và ngành Tuyên giáo. Giai đoạn này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi. Tức là cách mạng chóng thành công”.
Lịch sử đã chứng minh sức mạnh và hiệu quả của công tác tư tưởng là vô cùng to lớn; các hoạt động tuyên truyền, cổ động đã sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân; góp phần quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, động viên, cổ vũ mọi giai tầng của xã hội, tham gia cách mạng, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân, thành lập nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, đường lối của Đảng là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài,… kháng chiến gắn với kiến quốc; bộ máy và lực lượng làm công tác tuyên giáo giai đoạn này đã không ngừng phát triển từ Trung ương đến các khu ủy, liên khu ủy, xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam (1951), thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, chính trị và rèn luyện đạo đức cách mạng.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Đảng ta phải cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, công tác tuyên giáo với trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạnh của Đảng ở hai miền do Đại hội III (9/1960) đề ra với yêu cầu nâng cao nhận thức trong Đảng về chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho nó trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đoàn kết dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch (chủ nghĩa xét lại, phủ nhận những quy luật phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH…), bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng. Nhờ tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, phê phán những quan điểm sai trái, đã tạo được sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đường lối, chính sách để Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến toàn thắng ngày 30/4/1975.
Trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc, công tác tư tưởng văn hóa của Đảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh, được coi là một trong những nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của dân tộc trong cuộc đọ sức sống còn với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược để tự khẳng định mình. Lớp lớp thế hệ cán bộ tuyên huấn, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà khoa học…. đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Họ là những người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; mở đường, tổ chức, giáo dục, rèn luyện đội ngũ chiến sĩ trên mặt trận chính trị-tư tưởng. Nhờ đó, đội ngũ chiến sĩ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, trau dồi vốn sống, kinh nghiệm, tri thức khoa học, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; trong khó khăn, thử thách, không quản gian khổ, hy sinh, luôn bám sát phong trào, cơ sở; tìm mọi cách để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, công tác tuyên giáo luôn luôn đi đầu tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy, lý luận, xây dựng cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, tư tưởng lý luận, bản lĩnh chính trị của CB,ĐV; củng cố niềm tin trong Nhân dân, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; giữ vững lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình đất nước, nhất là giúp Nhân dân ta vượt qua cơn “chấn động chính trị” toàn cầu trong những năm 1989 - 1991, khi mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998; cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới 2008 - 2009 và hiện nay là đại dịch COVID-19 toàn cầu, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Hơn 90 năm xây dựng và phát triển, với vai trò là bộ phận cấu thành quan trọng trong hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, trước những nhiêm vụ và trọng trách ngày càng nhiều và đòi hỏi ngày càng gắt gao của thực tiễn; ngành Tuyên giáo, mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo cần không ngừng nỗ lực, làm mới mình, làm cho mình “theo kịp sự tiến bộ của Nhân dân”, của xã hội như Bác Hồ từng mong muốn ở CB,ĐV, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhân dân.
BÙI THẮNG
(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)